Đại dịch Corona Covid đã 3 năm nay và có thể sẽ còn quá năm 2021 nữa. Và hậu quả của nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là những người khuyết tật, người bệnh, người nghèo, người lớn tuổi, người không công ăn việc làm, hoặc hàng triệu lao động tự do bấp bênh, hay làm các việc chân tay nghèo. Rồi hàng chục ngàn công nhân viên tại các nhà xưởng, quán xá, cơ sở đóng cửa hoặc tinh giảm tối đa vì dịch … và các nghề bán vé số cũng bị ảnh hưởng do người ta sợ tiếp xúc. Rồi người phải thuê mướn mặt bằng như tiệm nail, tiệm tóc, quán caphe, quán ăn, điểm bán chợ dân sinh, quán vỉa hè, xe ôm, …
Chúng ta phải biết rằng, hàng triệu người đó họ phải chiến đấu vì công việc mỗi ngày để có bữa cơm mỗi ngày cho bản thân và cho gia đình họ. Họ không dám mơ đến việc tích cóp số tiền để mua sắm cái này cái nọ. Và việc một 1 ngày không có việc làm thôi đã làm cho họ đầy lo lắng rồi chứ chưa nói là 1 tháng, vài tháng, 1 năm, 2 năm, 3 năm.
Và đâu chỉ khó khăn với miếng ăn, rồi chi phí điện, nước, tiền nhà trọ, khám chữa bệnh và các chi phí liên quan… cũng đủ để đầu óc rối bời, đầy căng thẳng. Tôi thiết nghĩ, nhà nước cũng nên miễn phí tiền điện, nước cho những gia đình ở trọ, những gia đình nghèo, mất việc, không có công ăn việc làm, hoặc không ổn định.
Và dù là doanh nhân cũng bị khốn đốn vì dịch Covid, đầy lo lắng cho bản thân và cả hệ thống công ty, nhân sự mà mình đã tâm huyết gầy dựng. Rất nhiều công ty phá sản, hoặc chết lâm sàng, hoặc rơi vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan. Thậm chí có nhiều doanh nhân có dấu hiệu bị tâm thần, và mất định hướng.
Và họ là những người mà chúng tôi hay gọi là “Mắc kẹt cuộc sống”. Vì bình thường xã hội nhìn họ vốn vẫn có thể đi làm, hoặc vẫn có thể sống được, vẫn ăn mặc lành lặn… và mặc nhiên mọi người chỉ nghĩ là những người tàn tật nặng, những người vô gia cư, quần áo rách rười mới là khổ, là khó khăn. Và sự thật những người mắc kẹt cuộc sống này, họ rất coi trong danh dự của mình, dù họ đi bán vé số, dù họ chiến đấu với từng đồng tiền mặt bằng với quán xá của họ, dù họ làm công nhân, giúp việc, hoặc các việc hộ gia đình như chế biến, đan lát, may vá chỉ đủ sống hàng ngày… ki cóp từng đồng, thiếu trước hụt sau. Nhưng họ cũng không bao giờ đi xác nhận rằng “Họ là gia đình nghèo, người nghèo”, hoặc than thở. Và họ cũng chẳng có cơ hội để giải bày khó khăn của họ với người xung quanh, vì quanh họ cũng toàn là khó khăn như họ. Ở các thành phố lớn thì nổi tiếng với hàng xóm dù sát nhà nhau, cũng ít khi nói chuyện, qua lại. Thì với người nghèo, người khó khăn thì dù sát vách là nhà giàu, doanh nhân lớn, thì sự biết hoàn cảnh của nhau cũng là điều khó mà có. Và với xã hội này, sự vô tình nó vẫn còn rất nhiều, thì việc họ có cơ hội tâm sự nỗi lòng của họ, nói lên khó khăn của họ là điều không dễ. Thậm chí dù là bạn học một thời của họ, họ có cố gắng đi họp lớp, thì cũng chỉ là những câu chuyện ồn ào, khoe công việc, khoe phát triển, chú ý đến bề ngoài, vui chơi là chính. Có câu chuyện một anh nọ, dù là doanh nhân rồi, nhưng khi đi họp lớp, anh ấy đứng lên đề nghị mọi người hãy tâm sự, hỏi thăm tình hình cuộc sống của nhau thay vì chỉ ăn nhậu zô zô, rồi hát hò. Thì một vài bạn của anh ấy xưa cũng thuộc khá giả đã bác bỏ là họp lớp phải vui. Thế là dù trong lớp có vài bạn rất hoàn cảnh, cũng không thể giải bày. Và từ đó về sau, những người bạn khó khăn đó không bao giờ đi họp lớp nữa. Hay trong một dòng họ, dù có người khá giả, nhưng thành viên nghèo khổ của dòng họ cũng chẳng nhờ được gì. Một phần người khá giả thì xa xách, người nghèo thì tự trọng. Nên họ cứ sống như là cuộc sống mòn giữa cuộc đời này.
Đại dịch đã xảy ra, không biết đến bao giờ mới ngừng. Xã hội Việt Nam đang ngày càng có nhiều sự phân hóa giàu nghèo. Người giàu, khá giả không phải lo miếng ăn, nhất là giới trẻ lớn lên, dù đã có gia đình, sinh sống ở Sài Gòn lâu rồi cũng ít khi để ý và biết được có nhiều người khó khăn, mắc kẹt cuộc sống đến vậy. Nhất là những người nghèo, khuyết tật, bất hạnh, họ có thường đi ăn quán xá đâu, đến những nơi giải trí, quán caphe đâu, và càng không có mặt tại các khu du lịch, những nơi sang trọng… Và báo chí truyền thông, cũng rất hiếm khi đưa tin về những người nghèo khổ, trừ một vài báo có mục thiện nguyện. Thì cũng chỉ đưa những trường hợp rất dễ nhìn thấy như là bệnh tật nặng, tàn tật nặng, tai ương, bất hạnh nặng. Còn lại người nghèo, người khó khăn… họ ít được chú ý, và dù có chú ý thì họ cũng không muốn bị đưa lên. Thậm chí khi họ được trợ giúp, họ cũng rất buồn khi nhận được phần quà trợ giúp của mạnh thường quân, hay đại diện tổ chức nào đó… thì hình ảnh của họ, gia đình họ, con cái họ bị rao khắp các mặt bào, khắp các phương tiện đại chúng. Như là một sự chứng minh, thậm chí quảng cáo cho việc thiện nguyện của ai đó. Hoặc là phải có hình ảnh, video clip để đáp ứng sự mong muốn minh bạch của các nhà đóng góp. Mà quên rằng, điều đó như đang vô tình hại những người nghèo khổ, khó khăn… thậm chí nhiều gia đình, khi con cái lớn lên đi làm đi học, đã phải xấu hổ khi hình ảnh đó vẫn còn được quảng bá trên website, trên mạng của một đại diện thiện nguyện, hay nhóm, tổ chức nào đó. Và đó là lý do tại sao có nhiều người rất khó khăn, khổ cực nhưng họ quyết tâm không dám nhận sự trợ giúp. Hoặc có nhận, thì lòng họ cũng đầy trĩu nặng.
Rồi cũng có nhiều sự đóng góp thiện nguyện chưa được trọn “Tâm” và đầy tính toán, khi mà lại tận dụng hàng tồn kho, hàng không bán được, hàng sắp hết đát để đánh bóng thương hiệu, tệ hơn là hàng thực phẩm, sức khỏe. Hay có người lợi dụng thiện nguyện để làm đẹp cho các việc làm sai trái của mình, hoặc đánh bóng thương hiệu. Hiện dịch này tôi thấy khá nhiều hình thức lấy hàng tồn, hàng lỗi không xuất khẩu được như khẩu trang, đồ dùng … để tặng các cơ quan nhà nước để đánh bóng thương hiệu. Và cũng có người sẵn sàng thờ ơ với những người nghèo khổ, đói rách, cơ hàn như ở trên thì lại ít quan tâm, nhưng lại sốt sắng với các hoạt động có hình ảnh, có đưa tin. Rồi ai ai cũng có thể kêu gọi thiện nguyện, có nhiều người mỗi đợt thiên tai, … là nhận được kêu gọi từ hàng trăm cá nhân, đơn vị, tổ chức, từ các cơ sở tôn giáo, cho tới cơ quan trung ương, bộ ngành, đến thành phố, tỉnh, đến quận huyện, đến phường xã… Thậm chí có cá nhân cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để đánh bóng thương hiệu, trục lợi. Thiết nghĩ, đã làm thiện nguyện thì nên để làm giàu cho lương tâm, điều này quan trọng hơn bất cứ danh vọng hay lợi ích nào ở đời này mà con người có thể.
Các cá nhân, tổ chức tiếp nhận thiện nguyện cũng nên đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tránh xa vào lòng tham và sự vô trách nhiệm, thái độ ban phát, ban ơn. Để minh bạch, khi tiếp nhận đóng góp thì có giấy xác nhận, rồi báo cáo cho các nhà hảo tâm. Rồi chi cho ai, trường hợp nào thì cũng có một bản báo cáo thống kê rõ ràng (Người nhận, địa chỉ, số điện thoại). Nhưng khi tiếp nhận một số tiền hoặc từ nhiều nguồn thì phải tổ chức ít nhất là có người tiếp nhận, người thống kê, ghi chép và cả người phát, phân phối nữa. Mùa dịch này và cũng là để tính nhân văn, thì có thể phát tận nơi ở cho họ. Việc phân phát cũng không nhất thiết phải chụp hình ảnh của họ, mà chỉ cần có phiếu xuất kho, hoặc phiếu chi, và có báo cáo là được. Vì khi bạn đóng góp cho ai, tổ chức nào, thì cũng nên xem xét kĩ uy tín của cá nhân, hoặc là tổ chức ấy. Một khi đủ niềm tin thì góp, không thì chỉ xin thông tin và trực tiếp bạn gửi tới cũng được.
Và đó cũng là cách mà nhóm thiện nguyện Cát Xanh hay làm, 10 năm nay vẫn hoạt động tốt với các hoạt động như cứu trợ thiên tai, học bổng, đào tạo nghề, tư vấn trợ giúp các mô hình kinh tế hộ gia đình, khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm, trợ giúp người khuyết tật, hỗ trợ pháp lý, bệnh tật, quyên góp đồ cũ, xây sửa nhà tình thương, … Hay như Viện ISAI với các hoạt động trợ giúp tư vấn miễn phí cho các doanh nhân gặp khó khăn, tư vấn nghề nghiệp phát triển bản thân, hỗ trợ pháp lý, quên góp xây nhà tình thương, xây cầu vùng khó khăn, tặng quà, cuộc thi ảnh đẹp tri ân chiến sĩ chống dịch, khám chữa bệnh miễn phí … Và lần đại dịch này, đợt giãn cách toàn thành phố Sài Gòn này… nhóm thiện nguyện Cát Xanh, Food An và ISAI tiếp tục nỗ lực giúp đỡ những mảnh đời cơ cực thêm nữa. Các thành viên nhóm đều là những người ngay từ nhỏ đã được dạy dỗ nghiêm khắc bởi gia đình và cộng đoàn về việc giúp ai thì nên “thầm lặng”, và nếu nhận của ai để làm thiện thì phải có trách nhiệm cao nhất trong việc gửi tới người cần giúp và báo cáo rõ ràng. Và từ nhỏ họ đã sống và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ, những người mắc kẹt trong cuộc sống khổ cực khó khăn. Và cách làm của họ là đến trực tiếp tận nơi, tận tay người thực sự đang rất khó khăn, rất cần giúp đỡ, mà không cần phải sự công nhận của chính quyền, báo chí, hay truyền thông nào cả. Họ cũng không kêu gọi sự đóng góp cộng đồng, mà chỉ dám mời gọi đồng hành với những khách hàng, đối tác thân thiết của các cá nhân thành viên của nhóm trong cuộc sống.
Và thật đẹp cho đời khi có rất nhiều cá nhân và các đơn vị khác nữa. Nhất là hàng ngàn nhà thờ Công giáo, các chùa, cơ sở tôn giáo khác và các báo chí, cơ quan nhà nước đã và đang làm các chương trình rất lớn cho xã hội. Chúng ta cũng không quên các cá nhân, tổ chức thiện nguyện quốc tế, các quốc gia bạn bè, họ đã rất nhiệt tình trợ giúp đất nước ta. Đặc biệt là những người trong ngành y tế, và những quân nhân đang phòng tuyến biên giới, những chiến sĩ căng mình vừa đảm bảo an ninh vừa phòng chống dịch… với vô vàn khó khăn trong việc ăn ở, cắm chốt, thiếu điều kiện sống và cả sự đau lòng khi Cha Mẹ, người thân mất đi mà không thể về đưa tang. Xin cầu chúc cho tất cả luôn vượt qua những khó khăn, mất mát và sẽ sớm gặp lại niềm vui.
Và cũng xin cầu chúc và thêm sự quan tâm hơn nữa cho những người nghèo khổ, người khuyết tật, người neo đơn không nơi nương tựa, những người “mắc kẹt cuộc sống” đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn cuộc sống thường ngày, nay lại càng thêm khốn khó vì đại dịch kéo dài. Cầu mong cho họ sẽ thêm sự quan tâm và trợ giúp của cộng đồng, của những tấm lòng đầy cảm thông và yêu thương. Và hơn hết họ sẽ được có công ăn việc làm phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống của họ, để họ nỗ lực và vươn lên trong cuộc sống này.